Nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị xử lý thế nào?
Tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi nhập cảnh trái phép và số lần vi phạm để áp dụng chế tài phù hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
*Xử phạt hành chính: Điểm a khoản 3 và điểm a khoản 5 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại như sau:
“Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại
...3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật;
....5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;...”
Theo đó, tùy vào trường hợp được quy định tại điều trên mà người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đến 15 triệu đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền quy định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
*Xử lý hình sự: Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép như sau:
“Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Theo đó, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi người nhập cảnh trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
Đồng thời, việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” tại Điều này được hướng dẫn bởi Mục 2.2 Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 có hiệu lực từ ngày 20/04/2021.
Cụ thể, Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015 quy định 03 hành vi phạm tội độc lập (xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép), nên tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” được hiểu là đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương ứng.
Như vậy, tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi nhập cảnh trái phép và số lần vi phạm để áp dụng chế tài phù hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định được nêu trên.
Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép như sau:
- Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+) Phạm tội 02 lần trở lên;
+) Đối với từ 05 người đến 10 người;
+) Có tính chất chuyên nghiệp;
+) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+) Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+) Đối với 11 người trở lên;
+) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
+) Làm chết người.
Như vậy, người môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép với mức hình phạt từ 1 năm đến 15 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 33 Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2023 quy định điều kiện xuất cảnh của công dân Việt Nam như sau:
- Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
+) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng;
+) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
+) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
- Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về điều kiện nhập cảnh như sau:
- Công dân Việt Nam được nhập cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng.
Như vậy, điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được quy định như trên.
Công ty Luật Thuận Đức – Luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý!
-------------------------
Văn phòng làm việc: Số 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Hotline: 0966.846.783
Email: congtyluatthuanduc@gmail.com
Website: http://luatthuanduc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100094722411349